Văn minh cà phê Ottoman, là văn minh cà phê của thế giới Hồi giáo, nơi cà phê được xem là thức uống thần thánh, kích thích sáng tạo
Cây cà phê được phát hiện lần đầu tiên tại Ethiopia (thuộc Đông Bắc châu Phi) khoảng thế kỷ thứ 9. Đây là một trong những vương quốc cổ xưa nhất, có nền văn hóa đặc sắc đa sắc tộc. Từ khi cà phê được tìm thấy, dân địa phương đã sử dụng lá, hạt cà phê làm thức ăn và thức uống bình dị. Theo truyền thuyết dân gian, cà phê được coi là những giọt nước mắt của Thượng đế nhỏ xuống thi thể của các bà mo, thầy phù thủy. Bộ tộc Oromo ngày nay còn giữ phong tục là trồng một cây cà phê trên mộ của những thầy mo.
Những người yêu thích cà phê sớm nhất là các tín đồ Hồi giáo và cà phê được theo chân họ đi khắp muôn nơi đến nhiều quốc gia, nhiều lãnh thổ của vùng Trung Đông. Cùng với sự lớn mạnh của vương quốc Ottoman từ thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ 16, văn minh cà phê Ottoman đã được hình thành, đại diện cho thế giới Hồi giáo, nơi cà phê được xem là thức uống thần thánh, kích thích sáng tạo.
Thế kỷ 16, quán cà phê đầu tiên tại Istanbul ra đời. Từ đây, cà phê mở ra một lĩnh vực hoạt động kinh tế mới và làm thay đổi đời sống xã hội Ottoman. Quán cà phê không chỉ là nơi thưởng thức cà phê mà hoạt động như những không gian văn hóa. Mọi người đến từ các dân tộc, giai cấp, nghề nghiệp khác nhau cùng chơi cờ, đọc bản tin, thảo luận các vấn đề xã hội và tìm kiếm cơ hội kinh doanh. Nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ dân gian đến trưng bày tác phẩm nghệ thuật, thơ ca của họ.