VN
5
05

Tổng cộng: đ 2.950.000

đ 1.125.000
Số lượng
24
Đóng Menu

Bảo tàng Thế giới Cà phê - Thế giới Cà phê - Cà phê Thế giới

Tầm nhìn – Sứ mệnh

Góp phần hiện thực hóa khát vọng đưa Buôn Ma Thuột trở thành Thủ phủ cà phê toàn cầu, đưa Đắk Lắk trở thành điểm đến của hơn 2.5 tỷ người yêu và đam mê cà phê trên toàn thế giới.

Kiệt tác kiến trúc độc bản

Bảo tàng Thế giới Cà phê được cảm tác dựa trên triết lý kiến trúc chữa lành và tinh hoa văn hoá bản địa.

Bảo tàng Thế giới Cà phê được định hình trên nền tảng xây dựng hướng đến là bảo tàng di sản văn hóa cà phê toàn cầu. Điểm khác biệt và đặc sắc của bảo tàng chính là một bảo tàng SỐNG - MỞ - TƯƠNG TÁC về văn hóa cà phê toàn cầu và một bảo tàng ảo giới thiệu bộ sưu tập hàng nghìn hiện vật.

Sự lôi cuốn và hấp dẫn của bảo tàng trước hết đến từ hình thức kiến trúc bên ngoài rồi mới đến không gian trưng bày ở trong. Kiến trúc của Bảo tàng Thế giới cà phê đã làm được điều đó. Công trình là một tổ hợp các khối uốn cong khá tự do, được kết nối với nhau qua những “điểm chạm” trên các đường cong uốn lượn và uyển chuyển. Các khối nhà giao thoa với nhau để tạo nên hình khối kiến trúc khá đặc biệt, độc đáo mới mẻ, như mô phỏng những kí hiệu của con người thời xa xưa, dường như được mã hóa và hòa quyện vào không gian của trời và đất cao nguyên.

Dễ dàng nhận ra dấu ấn bản địa trên hình khối kiến trúc, đó là hình ảnh ngôi nhà dài của người Ê Đê và bộ mái vút cao của nhà rông - những biểu tượng của kiến trúc Tây Nguyên. Với bố cục phân tán, công trình cho một cảm giác dàn trải, nhẹ nhàng và hòa hợp với thiên nhiên. Một phần của công trình được “chôn” xuống đất, tạo nên nhiều tầng bậc, dẫn dắt người xem với nhiều điều thú vị, gợi mở những khám phá trên những bước chân. Nhìn một cách tổng thể, kiến trúc công trình là một sự tự do, bay bổng, ngẫu hứng nhưng vẫn khoa học, chặt chẽ, kín đáo, bền vững của thể loại công trình bảo tàng. Bê tông trần là chất liệu chủ đạo, hiện diện ở mọi diện tường - mái trong nội thất; còn lại là gỗ, đá, sàn mài xi măng.

Tổng thể kiến trúc thể hiện mối quan hệ giữa không gian và thời gian, giữa vô hình và hữu hình, giữa thực và ảo; cái uốn lượn của các khối kiến trúc cho thấy sự dịch chuyển giữa cái hiện hữu và cái khuyết. Toàn bộ khối kiến trúc tỏa ra một năng lượng dồi dào, thể hiện niềm khát khao sáng tạo, một sự hy vọng, một không gian vẫn luôn luôn mong khám phá sự kỳ bí của tạo hóa, một bảo tàng luôn luôn MỞ.

Công trình kiến trúc được xây dựng trên một đồi đất đỏ bazan, dưới chân đồi là một con suối chảy về hướng Nam. Vật liệu xây dựng công trình là đá bazan phủ bên ngoài tòa nhà, được tạo nên từ quá trình phun trào núi lửa tích tụ năng lượng từ hơn 160 triệu năm. Với những ưu điểm vượt trội như tương thích và thân thiện với môi trường; hầu như không bị tác động bởi môi trường, tính thẩm mỹ cao, chống ồn, có khả năng điều hòa không khí (làm mát, làm ấm tự nhiên…).

Không chỉ với mái, ngay những lối đi, đá xếp xung quanh các khu cảnh quan của Bảo tàng Thế giới Cà phê và mọi tiện ích khác thuộc dự án Thành phố Cà phê, Trung Nguyên Legend đều sử dụng đá bazan, một loại vật liệu rất thân thiện với môi trường được đưa vào xây dựng để có thể bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.

Việc chọn lựa vị trí và nguyên vật liệu để xây dựng Bảo tàng Thế giới Cà phê cho thấy một ý tưởng siêu việt, lớn lao được tư duy khá lâu và kỹ càng lại được kết hợp với ý tưởng sáng tạo mang tính triết lý sâu sắc đã tạo nên một mô hình kiến trúc mang phong cách và cấu trúc độc, lạ.

Cấu trúc của tòa nhà thể hiện 5 khối kiến trúc, mang ý nghĩa của dịch học gồm 5 thành phần là Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ, những nhân tố cơ bản khởi tạo nên thế giới; nó cũng là sự mô tả 5 châu lục của trái đất; là 5 ngón tay của một bàn tay với ý nghĩa “bàn tay ta làm nên tất cả”. Song vấn đề chủ đạo trong nội dung trưng bày của Bảo tàng Thế giới Cà phê chính là 5 công đoạn trồng - chăm sóc - thu hái - bảo quản - thưởng lãm cà phê, là sự hài hòa của 5 Hồn (Đất, Nước, Người, Cây, Nghề), để tạo nên một tách cà phê thực sự “ngon nhất thế gian”.

Với thiết kế kiến trúc ấn tượng và kỳ lạ, Bảo tàng Thế giới Cà phê là một “bài toán khó” thử thách cho đơn vị thiết kế, thi công xây dựng. Vì thế, Chủ đầu tư - Tập đoàn Trung Nguyên Legend đã phải tìm hiểu, cân nhắc kỹ càng các đơn vị tham gia thiết kế, xây dựng. Đó đều là các đơn vị uy tín hàng đầu, có kinh nghiệm vững vàng và đặc biệt phải có những sáng tạo linh hoạt để phù hợp với công trình cũng rất đặc biệt như Bảo tàng Thế giới Cà phê, ví dụ như việc đơn vị thi công phải nghiên cứu tự chế tạo hệ thống giàn giáo chuyên biệt chỉ dành riêng cho Bảo tàng Thế giới Cà phê, bởi trên thị trường không thể tìm đâu ra giàn giáo nào phù hợp…

Trong nhiều năm làm việc về lĩnh vực bảo tàng tại quốc tế và Việt Nam, tất cả các chuyên gia bảo tàng đều thống nhất mô hình Bảo tàng Thế giới Cà phê là một mô hình bảo tàng chưa có trong tiền lệ trên thế giới; mang tính thời đại và kết hợp hài hòa với tính bản địa đặc sắc, đủ sức quyến rũ với thế giới; mang tính độc đáo của yếu tố phương Đông.

Được khởi công xây dựng vào tháng 3/2018 và sau 235 ngày thi công xây dựng với hàng nghìn lao động đã làm việc suốt ngày đêm, ngày 23/11/2018 Trung Nguyên Legend chính thức khai trương Bảo tàng Thế giới Cà phê. Công trình đã trở thành kiến trúc biểu tượng của ngành cà phê Việt Nam và đón hàng triệu lượt khách du lịch mỗi năm, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, thương mại, mậu dịch cho địa phương, từng bước đưa Buôn Ma Thuột trở thành Thủ phủ cà phê toàn cầu.

GS Nguyễn Văn Huy – Nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam – một trong những chuyên gia về bảo tàng hàng đầu của Đông Nam Á - chia sẻ: “Tôi may mắn được chia sẻ ý tưởng về một bảo tàng văn hóa cà phê thế giới ngay từ những ngày đầu và thực sự bị cuốn hút vì tính độc đáo và đặc sắc của ý tưởng. Điều ấn tượng nhất là bản thân bảo tàng này cũng đủ để hấp dẫn với thế giới nhưng đây chỉ là một phần của Thủ phủ Cà phê Toàn cầu tại Việt Nam. Tôi và ông Ama Galla - Phó Chủ tịch Bảo tàng Cà phê thế giới, đều bị cuốn hút bởi ý tưởng một bảo tàng sống về cà phê”.
GS Nguyễn Văn Huy
GS Nguyễn Văn Huy
Nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam

Không gian hướng thượng

Không gian hướng thượng nằm trong Bảo tàng Thế giới Cà phê có kiến trúc hình chóp nón theo đường xoắn ốc thể hiện cho sự sáng tạo, sự vĩnh cửu, chuyển động của thời gian, sự kết nối giữa vũ trụ, con người và thiên nhiên. Trong tự nhiên, hình xoắn ốc cũng là biểu tượng của mặt trời tượng trưng cho năng lượng, sự phát triển, sự sống. Trung Nguyên Legend muốn gửi gắm, khi du khách đến không gian hướng thượng này chính là lúc để bước chậm lại, dành cho mình những giây phút lắng đọng, thưởng thức vẻ đẹp của cuộc sống, có thể đến từ âm thanh của nghệ thuật, có thể chỉ đơn giản để chiêm nghiệm về hình khối trong không gian kiến trúc này và những ý nghĩa của nó. Trong không gian hướng thượng, khi càng đi lên mỗi người sẽ thấy bản thân mình càng gần ánh sáng (đến gần chân lý). Khi đó sẽ nhìn thấy ở bên dưới mọi thứ càng nhỏ bé. Đây chính là một trong những yếu tố biểu trưng cho tính xã hội và tâm linh của công trình kiến trúc.

Thư viện ánh sáng

Trái tim của Bảo tàng Thế giới Cà phê là Thư viện Ánh sáng, với tâm điểm là Tủ sách Nền tảng đổi đời, được lựa chọn từ kho tàng kiến thức tinh hoa của nhân loại. Nỗ lực và tâm huyết của Trung Nguyên Legend trong nhiều năm qua là đi tìm kiếm, chắt lọc,… trong kho tàng tri thức của nhân loại để đưa ra Tủ sách Nền tảng đổi đời bao quát, bao trùm toàn bộ mọi lĩnh vực căn cốt của đời sống: Khoa Học, Triết Học, Huyền Học, Y Học, Võ Học, Kinh Tài Học, Chính Trị Học, Đạo Đức Học, Xã Hội Học, Mỹ Học, Âm Thanh Học và Ngôn Ngữ Học. Hơn 100 đầu sách quý, gần 100 bộ phim quý của Tủ sách, tủ phim nền tảng đổi đời được Nhà sáng lập – Chủ Tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend ĐẶNG LÊ NGUYÊN VŨ tâm huyết, cẩn trọng tuyển chọn từ hàng triệu cuốn sách, từ hàng ngàn tấm gương danh vĩ nhân thành công nhất của nhân loại. Trong đó, 5 cuốn sách “Nghĩ Giàu Làm Giàu”, ‘Khuyến Học”, “Quốc Gia Khởi Nghiệp”, “Đắc Nhân Tâm”, “Không Bao Giờ Là Thất Bại - Tất Cả Chỉ Là Thử Thách” là những cuốn sách mở đầu của “Tủ Sách Nền Tảng Đổi Đời” đã được trao tặng cho hàng chục triệu thanh niên Việt Nam trong Hành trình Từ Trái Tim - Hành trình Lập Chí Vĩ Đại - Khởi Nghiệp Kiến Quốc.

Từ Bảo tàng Cà phê Jens Burg đến Bảo tàng Thế giới Cà phê

Năm 1927, Erich Burg-cha của Jens Burg thành lập xưởng cà phê đầu tiên trên đường Eppendorfor, Hamburg (Đức) có tên gọi là Burg's Kaffee Rosterei. Người ta làm việc này một cách chậm rãi như thụ hưởng tính thú vị của công việc. Và hơn nửa thế kỷ sau, con trai ông là Jens Burg cũng làm y như bố mình. Nhịp độ rang cà phê không nhanh hơn, nhưng hương vị cà phê ngày càng ngon hơn. Jens Burg rang và chế biến cà phê không cần máy đo hương vị, ông chủ yếu làm việc bằng mắt, mũi và rất nhiều sự nhạy cảm từ một con người “hiến” đời mình cho hương vị của hạt cà phê.

Để có thể làm việc một cách “biếng nhác” như vậy, Erich Burg đã phải trải qua sự khủng hoảng với việc biến mất của hàng trăm xưởng rang xay cà phê ở Hamburg vào thập niên 50 của thế kỷ trước do giá cà phê sụt giảm nghiêm trọng. Và phải có một sự đắm đuối với cà phê thì xưởng cà phê nhỏ ngày ấy trên đường của ông mới có thể trụ được cho đến giờ.

Sau khi thành quả lao động sáng tạo miệt mài suốt 10 năm trời được mọi người thừa nhận, Jens Burg bắt tay vào thực hiện Bảo tàng Cà phê cho riêng mình. Ông nói: “Sự xuất hiện của các tập đoàn cà phê khổng lồ như Jacobs, Darboven... khiến nhiều xưởng cà phê thủ công đã phải đóng cửa do không thể cạnh tranh và các vật dụng cho việc pha chế, sản xuất cà phê nhanh chóng bị ném vào bãi rác. Điều này làm cho tôi hết sức đau lòng. Để cứu vãn những kỷ niệm, tôi đã bỏ hơn 20 năm để nhặt nhạnh tất cả và đến năm 2000 bộ sưu tập phong phú của tôi đã chính thức trở thành Bảo tàng Cà phê được đặt trên diện tích 350 m2 tại số 23-25 đường Munster”.

Từ xưởng cà phê nhỏ cho đến Bảo tàng Cà phê nằm sát bên của Jens Burg sẽ chẳng có gì đặc biệt nhiều, nếu như không có chuyện ông từng là “tội đồ của đỉnh cao suy đồi” vì ông bị buộc tội “tẩm hương liệu cho cà phê”. Cà phê tẩm hương liệu ngày nay đã rất bình thường, thực khách có thể thưởng thức cà phê hương cam, quả mâm xôi, quế... Nhưng, ở thời điểm khi Jens Burg thử nghiệm thì đó là một hành động mà đa phần dân sành cà phê đều cho rằng là “ngu xuẩn và sốc nổi”. Với họ, cà phê chỉ nên dừng lại ở hương cà phê.

Ở bảo tàng này, khách tham quan có thể tìm thấy chảo rang cà phê bằng than nhỏ nhất, các loại cối xay cà phê, tách cà phê, những dụng cụ chuyên ngành, nhãn hiệu quảng cáo từ xa xưa, những dụng cụ pha chế để tạo ra những mùi hương cà phê đặc biệt…

Năm 2007, Chủ Tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ đã ghé thăm bảo tàng Jens Burg và trong suốt 3 năm tiếp theo đó, Ông quyết tâm theo đuổi đến cùng mục tiêu sở hữu số hiện vật của Bảo tàng. Tâm huyết của Nhà sáng lập – Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ đã khiến Jens Burg tin tưởng ông gặp đúng người “sống vì cà phê” kế tục bảo tàng. Tháng 9.2010, hơn 10.000 hiện vật bảo tàng cà phê của Jens Burg đã về đến Việt Nam và được đưa về Thủ phủ cà phê Buôn Ma Thuột, Việt Nam.

“Tôi hoàn toàn tin tưởng khi chuyển giao lại đứa con của mình cho Trung Nguyên vì tôi muốn đóng góp một phần của mình vào việc xây dựng và hình thành nên một Thủ phủ Cà phê Toàn cầu được xây dựng tại Việt Nam. Đây là sự đóng góp thiết thực và ý nghĩa nhất của tôi vào cuối cuộc đời của mình.”
Jens Burg