
Cà phê vợt còn được gọi với những cái tên khác như "cà phê bít tất" hay "cà phê kho" được du nhập vào Sài Gòn xưa nhờ những người dân lao động gốc Hoa. Do đó, có thể nói cà phê vợt là sự giao thoa giữa văn hóa Trung Hoa và văn hóa Sài Gòn.
Pha cà phê vợt cần sự tỉ mỉ, công phu hơn pha cà phê phin, phải kiểm soát kỹ càng lượng nước, lượng cà phê và cả thời gian nấu. Nguyên liệu phải là cà phê ngon, nước pha phải là nước máy để khoảng 2 ngày cho bay bớt mùi, ấm nấu phải sử dụng siêu đất để giữ trọn vẹn hương thơm cà phê.
Để có một ly cà phê ngon, bột cà phê được trộn thêm một ít đường và muối sau đó cho vào chiếc túi vải mỏng (còn gọi là vợt) rồi đặt vào một chiếc ấm bằng đất nung đã để nóng sẵn trên bếp, sau đó chế nước thật sôi vào như kiểu pha trà, khuấy đều vài lần rồi đậy nắp siêu lại để cà phê tròn vị; nhiệt độ bếp nấu cà phê chỉ giữ ở mức khoảng 95 độ. Chờ khoảng 3 - 5 phút cho cà phê chiết xuất hết rồi rót nước 1 ra một cái ấm nhỏ, xong lại chế nước 1 vào vợt, giữ chặt vợt để bột cà phê không bị lắng xuống dưới đáy siêu, chờ khoảng 5 phút chắt ra nước 2 rồi lại chế vào lần nữa. Sau 3 lần chắt ra chế vào siêu như vậy là hoàn thành công đoạn pha chế cà phê vợt. Trước khi rót cà phê ra ly, phải trần sơ ly qua nước sôi để khử mùi nước máy rửa ly mới giữ trọn vẹn được hương vị cà phê khi thưởng thức.