Tranh “Cát Trĩ Xuyên Di Cư Đồ” của tác giả Vương Mông (1308 – 1385) thuộc triều Nguyên (Trung Quốc). Bản gốc của tranh được lưu giữ tại Bảo tàng Cố cung Bắc Kinh. Tranh vẽ phong cảnh núi non trùng điệp, bên dưới có con thác nhỏ đổ xuống thành dòng suối chảy tràn qua khe, có một con người nhỏ bé đang đi trên cầu bắc qua khe suối đó. Bố cục của tranh trông rất phức tạp, con người trước thiên nhiên hoang sơ, chất chồng núi đá, cây cối rậm rạp, trở nên nhỏ bé.
Nhân vật chính trong tranh là Cát Hồng (283 – 343) tự là Trĩ Xuyên, đang trên đường tìm về miền núi, sống ẩn cư cùng tự nhiên để tu luyện theo đạo học. Thuở nhỏ Cát Hồng lập chí làm văn nho để chấn hưng Nho giáo. Ông từng ra làm quan nhưng chán cảnh thế sự mới xin về ẩn cư, bỏ Nho theo Đạo, chuyên cần luyện đan.Từ luyện đan, ông tìm cầu thuật trường sinh bất tử, hết sức đề xướng thần tiên Đạo giáo. Là một đạo sĩ, một nhà tự nhiên học và y sĩ nổi tiếng thời Đông Tấn (266-420), ông là tác giả nhiều sách, đa phần đã bị thất lạc, còn một số vẫn được lưu truyền cho hậu thế, trong đó có “Thần Tiên Truyện”, sách viết về tu đạo, thuật trường sinh bất tử.
Tác giả Vương Mông (1308 – 1385) là một trong bốn họa gia nổi bật nhất thời nhà Nguyên (Trung Quốc), sở trường vẽ tranh sơn thủy với nhiều chi tiết và bố cục phức tạp.