
Hộp chứa cà phê nhân ở Indonesia. Cà phê đã được trồng ở Indonesia từ cuối thế kỷ 17, đây cũng là quốc gia thuộc top 5 các nước xuất khẩu cà phê nhiều nhất trên thế giới.
Tại Indonesia có một loại cà phê vô cùng quý hiếm và độc đáo được trồng trên đất núi lửa xung quanh núi Sesean trên đảo Sulawesi.
Cà phê được trồng ở độ cao từ 1.700 đến 2.100m so với mực nước biển. Sau khi chế biến, cà phê nhân được bảo quản bên trong những hộp gỗ được chế tác thủ công bởi bộ tộc Toraja sống trên đảo Sulawesi.
Cà phê ở đây có hương thơm rõ ràng không thể nhầm lẫn với các vùng khác, xen lẫn mùi hạnh nhân, socola lẫn 1 chút cay mà đối với những người khó tính nhất trong khẩu vị cũng khó có thể chối từ. Do sản lượng trồng ít và hương vị độc đáo hiếm có nên cà phê ở đây có giá thành thuộc top bậc nhất thế giới.
Cà phê được trồng trong những vườn nhỏ tại nhà bởi 10 hộ dân thuộc bộ lạc "Toraja". Người Toraja đại diện cho một trong số ít các nhóm dân tộc độc lập ở vùng cao nguyên Sulawesi, những người đã cố gắng duy trì bản sắc văn hóa đặc biệt phản ánh trong ngôn ngữ, nghi lễ xã hội và tôn giáo của họ. Họ là những nghệ nhân tài năng và nổi tiếng với những tác phẩm nghệ thuật bằng gỗ hấp dẫn được tạo tác để thể hiện triết lý sống của họ.
Hộp gỗ do bộ lạc Toraja làm thủ công từ cây bobok – 1 loại gỗ rất nhẹ. Đầu tiên người ta tạo hình trụ tròn, 2 đầu hơi thu nhỏ, nắp rời, sau đó sơn nền đen, chạm khắc hoa văn thủ công và sơn trang trí màu vàng đỏ chủ đạo, chính vì vậy mà mỗi hộp có một thiết kế độc đáo riêng và duy nhất.