Cà phê và hàng quán cà phê là nguồn năng lượng và môi trường lý tưởng, thúc đẩy các nhà tri thức khám phá bản chất của ngôn ngữ và phát triển các học thuyết ngôn ngữ học nền tảng.
Ngôn ngữ đã được nghiên cứu từ thời cổ đại, trên khắp các nền văn hóa Ấn Độ, Trung Quốc, Hy Lạp, La Mã…. Tuy nhiên, ban đầu, ngôn ngữ là một phần của triết học. Triết học đã nghiên cứu bản chất ngôn ngữ và sự tác động của ngôn ngữ đến đời sống con người, hình thành nhiều quan điểm nền tảng, đóng vai trò then chốt cho sự ra đời của ngôn ngữ học, một môn khoa học độc lập vào thế kỷ 20.
Từ thời cổ đại, triết học nhìn nhận ngôn ngữ chiếm một vị trí quan trọng trong giao tiếp và tri nhận thế giới, đảm nhận vai trò truyền bá các giáo thuyết, tư tưởng, củng cố các chuẩn mực và làm sáng tỏ những điều cấm kỵ trong tôn giáo. Từ thời trung cổ, các cuộc xung đột đế chế, tôn giáo, quá trình di cư, giao thoa văn hóa… kéo dài nhiều thế kỷ, đã tạo điều kiện cho sự xuất hiện của nhiều ngôn ngữ mới. Thời kỳ này, ngôn ngữ càng khẳng định vai trò trong việc giao tiếp; xây dựng đế chế, thiết chế xã hội; khẳng định địa vị xã hội. Cà phê du nhập vào châu Âu từ thế kỷ 17, được xem là thức uống thăng hoa trí tuệ và là năng lượng thúc đẩy các triết gia khao khát truy cầu chân lý, khám phá thế giới. Hàng quán cà phê cũng trở thành không gian kết nối những người có cùng chí hướng, đến và trao đổi, học thuật, biện chứng, để hình thành các hệ thống tri thức lý luận, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của triết học ngôn ngữ. Sự nở rộ các nền văn học tiếng Latinh, cũng như các ngôn ngữ dân tộc Do Thái, Ả Rập, Ý và sự phục hồi nghiên cứu các tư liệu cổ điển, đã thúc đẩy việc nghiên cứu triết học ngôn ngữ mở rộng. Thế kỷ 19 – 20, giai đoạn có nhiều sự biến chuyển về mọi mặt của xã hội, đồng thời đề cao tri thức, sự sáng tạo và vai trò của con người, ngôn ngữ trở thành trung tâm của các cuộc tranh luận triết học. Các nhà tư tưởng lớn tích cực tham gia nghiên cứu ngôn ngữ với nhiều chủ đề: bản chất của ngôn ngữ; mối quan hệ giữa ý tưởng tiến bộ và sự phát triển của ngôn ngữ và giao tiếp; vai trò chính xác của ngôn ngữ trong não bộ và trong nhận thức của con người; Hàng quán cà phê trở thành nơi đặc biệt quan trọng, đóng vai trò xúc tác cho những tư tưởng mới được thăng hoa, truyền bá, đáp ứng những chuyển biến thời đại.
Với công năng thức tỉnh và sáng tạo, cà phê luôn là thức uống gắn bó mật thiết với các nhà trí thức mọi lĩnh vực. Đặc biệt, cà phê là thức uống yêu thích của các triết gia như: Arthur Schopenhauer (1788 – 1860), Jacques Derrida (1930 – 2004)… Những người có sức sáng tạo vô hạn, tạo nên các nghiên cứu đóng góp đáng kể cho sự phát triển toàn diện của ngôn ngữ học.