Hồn Người

20/08/2018

“Con người là chủ thể phát hiện, truyền bá và nâng tầm giá trị của cà phê từ một thứ đồ uống đơn thuần trở thành một sản phẩm mang giá trị tinh thần, khai mở lối sống tỉnh thức”.
Theo quan điểm của triết học phương Đông thì Nhân là con người do Phụ Mẫu Thiên Địa hay còn gọi là Cha Trời Mẹ Đất giao hợp mà sinh ra. Cha trời theo Kinh Dịch là quái Càn cực Dương, mẹ Đất là quái Khôn cực Âm. Do đó Nhân không chỉ là yếu tố kết nối giữa Thiên và Địa, Nhân còn là Âm Dương hội tụ, là cầu nối giữa vật chất và tinh thần, là chủ thể của mọi hiện tượng trong đời sống sinh hoạt. Khi Thiên – Địa – Nhân hòa hợp sẽ đạt được đến đỉnh cao của sự thành công, mang lại những giá trị vô cùng to lớn.

Con người – tận dụng sự hài hòa của trời đất để trồng cà phê trên nhiều khu vực trên thế giới, đặc biệt ở các vùng nằm song song hai bên đường xích đạo như Ethiopia, Yêmen, Indonesia, Việt Nam, Brazil, Jamaica… Các quốc gia trồng cà phê tuy khác nhau về lãnh thổ, sắc tộc, ngôn ngữ, văn hóa nhưng nhìn về tính cách tộc người đều là những người hồn nhiên có tính đoàn kết, yêu thiên nhiên cỏ cây, tính trách nhiệm và tinh thần sáng tạo… do môi trường sản xuất cà phê mang lại.

Ethiopia nằm ở đông bắc châu Phi, đây là nơi phát tích cây cà phê arabica trong những thung lũng hoang vắng đất đỏ của núi lửa xa xưa cộng đồng người bản địa chủ yếu theo đạo Islam. Theo truyền thuyết dân gian của Ethiopia, cà phê được coi là những giọt nước mắt của thượng đế nhỏ xuống thi thể của các bà mo, thầy phù thủy. Bộ tộc Oromo ngày nay còn giữ phong tục là trồng một cây cà phê trên mộ của những thầy mo. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, các tập tục về hôn nhân và giới tính cũng được quy định qua nghi thức về cà phê. Phụ nữ được đào tạo kỹ lưỡng về cách pha chế cà phê trong khi những người đàn ông cũng xét phẩm chất của người phụ nữ qua kỹ năng và cách họ dọn cà phê ra mời khách. Tại Brazil, sự chung sống và hòa hợp của các chủng tộc trong hôn nhân hình thành nên tộc người đa sắc tộc, đa văn hóa. Người Brazil hòa hợp ba chủng tộc: Da đỏ, Da đen và Da trắng để trở thành Da nâu (pardo hoặc Moreno trong tiếng Bồ). Người ta ví Da trắng như màu sữa, Da đen như màu cà phê nguyên chất và Da nâu và màu cà phê sữa.

Tại Việt Nam, năm 1857 cà phê được các nhà truyền đạo đưa vào trồng thử tại khu vực phía Bắc rồi ở miền Trung (Quảng Trị, Bố Trạch…). Và chỉ một năm sau, năm 1858, cây cà phê có mặt tại Tây Nguyên, đặc biệt là các cao nguyên Lâm Đồng, Buôn Mê Thuột với các đồn điền có chủ nhân là người pháp và nhân công chủ yếu là người sắc tộc bản địa. Trước đó, người Pháp đã khảo sát rất kỹ lưỡng về thổ nhưỡng, khí hậu, độ cao, tầng phù sa cổ…mới chọn Buôn Ma Thuột là nơi chuyên canh cây cà phê Robusta, lấy Buôn Ma Thuột làm tâm trong vòng bán kính 10 km trồng cà phê Robusta đều cho ra thể chất tốt, như Ea Kao, Etam, Tân Lập, Tân Hòa, Tân An, Tân Lợi, Cư Ebut, và một số huyện khác: Cư Mgar, Krong Ana… Đặc biệt, là Cư M’gar (huyện nằm ở phía bắc của thành phố Buôn Ma Thuột) theo tiếng Êđê là quả núi “ lật ngược” chỉ quả núi có miệng lòng chảo, là những núi lửa cổ xưa đã tắt tạo cho huyện có hơn 70% diện tích là đất đỏ bazan trù phú. Theo thống kê năm 2015 đây là nơi sinh sống của hơn 67.000 người Êđê chiếm 37 % dân số toàn huyện và khoảng 20% tổng số người Êđê của Việt Nam.

Bên cạnh người Êđê, Buôn Ma Thuật – nơi được xem như thủ phủ cà phê – còn thu hút rất đông các tộc người khác đến định cư, trong số 47 tộc người ở tỉnh Đăk Lăk hầu như đều có mặt con em của họ làm việc và sinh sống đoàn kết tại đây. Như vậy, đây chính là vùng đất lành, nơi hòa hợp các sắc tộc, tôn giáo tín ngưỡng khác nhau.

Cây cà phê chiếm vị trí số một và góp phần đưa Buôn Ma Thuột từ vị trí một thị xã tỉnh lẻ cao nguyên trở thành một thành phố sầm uất. Ngoài cây cà phê, ở Tây Nguyên còn có các loại cây trồng khác như ca cao, hồ tiêu và một số cây ăn quả mới như bơ, sầu riêng… đều là những đặc sản có giá trị kinh tế của vùng đất.

Cư dân sống gần các khu vực xung quanh những địa điểm có núi lửa ở Tây Nguyên có tín ngưỡng đa thần. Trong một năm, các gia đình và cộng đồng đều có các lễ cúng liên quan đến vòng đời người và vòng đời cây trồng. Trong đó các nghi lễ liên quan đến vòng đời người như: lễ đặt tên cho trẻ sơ sinh, lễ trưởng thành, lễ cưới, lễ tang. Trong các lễ cúng, bao giờ người ta cũng có nghi lễ cúng sức khỏe cho chủ nhà. Gia đình nào khi tổ chức lễ cúng đều phải lo đủ trâu, lợn, gà, rượu, gạo phục vụ cho bà con mà theo tục lệ phải tổ chức được lễ hiến sinh cầu sức khỏe, có nhiều cuộc khoản đãi cộng đồng.

Cồng chiêng gọi đúng là Ching Chêng, là di sản văn hóa quý báu của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Ching có núm tượng trưng cho người phụ nữ còn Chêng tượng trưng cho người nam, Ching Chêng là biểu tượng của tín ngưỡng phồn thực. Cồng chiêng được coi là vật thiêng, có giá trị nhất trong mỗi gia đình, dòng họ và mỗi thành viên trong cộng đồng. Cồng chiêng vừa là nhạc cụ nghi lễ vừa là ngôn ngữ giao tiếp với thần linh, nó thể hiện văn hoá tộc người chứ không chỉ thuần tuý là âm nhạc. Người Tây Nguyên quan niệm “vạn vật hữu linh” tất cả những hiện tượng tự nhiên quan hệ với đời sống con người đều có các vị thần linh cai quản. Chính vì vậy mà sinh ra các nghi lễ – lễ hội theo vòng đời của con người và cây trồng. Các nghi lễ đều được tổ chức chu đáo theo từng gia đình hoặc theo từng cộng đồng làng, Buôn, Bon, Plei. Bất cứ lễ cúng nào cũng gắn với âm nhạc cồng chiêng, nhờ âm thanh của cồng chiêng để con người cầu xin thần linh cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng phát đạt, cộng đồng no ấm, có cồng chiêng là có nghi lễ – lễ hội, có sự gắn bó cộng đồng. Cồng chiêng thể hiện tính cộng đồng cao, thường mỗi người sử dụng một chiếc, đây chính là bản sắc và sức sống của các tộc người trên núi rừng Tây Nguyên, không được sử dụng cồng chiêng một cách bừa bãi mà chỉ được dùng trong các lễ hội của cộng đồng tộc người. Khi dàn chiêng diễn tấu trong ngôi nhà dài, hay ngoài mộ địa…, thông qua thang âm của dàn cồng chiêng, người nghe sẽ hiểu được niềm vui, nỗi buồn, sự biểu cảm tâm hồn của con người. Bản khan nổi tiếng nhất Tây Nguyên là khan Đam San, đã viết về tiếng chiêng Êđê như sau: “Chúng ta hãy mở hội ăn đông uống vui mừng mùa khô năm mới. Chúng ta hãy làm lễ cáo thần, cáo tổ tiên, cáo linh hồn các tù trưởng xưa cũ. Chúng ta sẽ cúng thần Núi, Thần Nước, Thần trên cao, thần dưới thấp, Thần phía Đông Thần phía Tây. Cầu cho chúng ta luôn luôn khỏe mạnh, năm tháng yên vui. Cầu cho đất đai mãi mãi xanh tươi, sông suối không bao giờ ngừng chảy, mía chuối luôn luôn nảy lộc đâm chồi, không bao giờ bị héo hon vàng lụi. Hãy đem rượu ra không ngớt ! Hãy giết trâu bò lợn thiến không ngừng! Hãy đánh lên những ching có tiếng ngân vang, những ching có tiếng đồng tiếng bạc, đánh nhè nhẹ cũng vang vọng khắp núi non. Đánh những cái chiêng kêu nhất, những chiêng ấm nhất. Đánh cho chiêng lan ra khắp xứ. Đánh cho chiêng lan qua sàn, lan xuống dưới đất. Đánh cho vượt qua mái nhà vọng lên trời, đánh cho khỉ trên cây cũng quên bám chặt vào cành đến ngã xuống đất. Đánh cho các âm hồn nghe tiếng cũng thôi làm hại người. Đánh cho chuột sóc cũng quên đào hang. Cho rắn cũng bò ra khỏi lỗ. Cho hươu nai cũng phải đứng thing mà nghe. Cho thỏ lắng tai không kịp ăn cỏ. Cho tất cả muôn vật chỉ còn có thể lắng tai mà nghe tiếng chiêng…”.

Đó là sắc thái thể hiện của cồng chiêng trong đời sống âm nhạc cổ truyền của đồng bào Tây Nguyên. Chính giá trị độc đáo, mang tính nhân loại này mà Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là kiệt tác di sản văn hoá phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại năm 2005, chuyển sang danh sách Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2008.

Theo Trung Nguyên Cà phê Triết đạo Nhân sinh, khái niệm con người cà phê (Homo Coffea) lần đầu tiên được đề cập tới tại Việt Nam. Theo khoa học thông thường, Homo Sapiens theo tiếng Latin: “người tinh khôn”, đối với Trung Nguyên nhìn nhận con người qua lăng kính cà phê.

Con người cà phê xuất hiện khi có cây cà phê theo tiến trình phát triển và lan truyền của cây cà phê. Con người cà phê là con người nhân văn, con người cà phê là con người sáng tạo, con người cà phê là con người tỉnh thức, con người cà phê là con người khai sáng. Bốn chất của con người cà phê được hòa trộn với nhau để ươm mầm, hun đúc và triển khai một cách có hệ thống những giá trị của tinh thần cà phê nhằm góp phần xây dựng một con người cà phê sống có Trách nhiệm và Sáng tạo.

Phát triển đồng thời với thế kỉ Khai Sáng ở Tây Âu, con người cà phê biểu trưng cho sự đổi đời, đoạn tuyệt với quá khứ và thẳng tiến đến tương lai. Con người Trung Nguyên luôn luôn đặt tình yêu và đam mê từ công đoạn trồng trọt, chế biến đến phục vụ một ly cà phê – đã đặt cả tâm hồn vào một tách cà phê. Cà phê là thức uống trợ giúp con người lắng đọng tâm tư, tìm lại được chính con người thực sự của mình rồi qua đó cảm thông với người khác mở rộng từ người thân cho đến toàn xã hội. Sự tu tập quán tưởng thiền định có thể là một kỷ luật khắt khe chỉ thiểu số mới theo được, nhưng việc tạm ngừng xôn xôn để lòng tĩnh lặng với một cốc cà phê thơm ngát trong khung cảnh êm đềm, yên tĩnh hầu như ai cũng có thể làm được.

Cùng với sự phát triển của cà phê Việt Nam, Trung Nguyên mang một sứ mệnh cao cả xây dựng một cộng đồng nhân loại hợp nhất, theo một hệ giá trị của lối sống tỉnh thức, mang tới thành công và hạnh phúc thực sự.

skype