Hồn Cây

20/08/2018

“Cây là người bạn không thể thiếu cho sự sống của con người”

Cây là thành phần quan trọng trong việc tạo dựng cảnh quan tự nhiên do chúng có tác dụng chống xói mòn và bảo vệ hệ sinh thái trong và bên dưới tán của nó. Cây cũng có vai trò quan trọng trong việc sản xuất ra ôxy và giảm carbon dioxide trong khí quyển cũng như điều hòa nhiệt độ mặt đất.
Cây cũng là nhân tố cơ bản trong thiết kế cảnh quan và nông nghiệp về mặt thẩm mỹ và mùa vụ (cây ăn quả). Gỗ khai thác từ cây dùng làm vật liệu xây dựng cũng như là nguồn năng lượng sơ cấp ở các quốc gia đang phát triển.

Không dừng lại đó, từ ngàn xưa trong tín ngưỡng nhân gian ta, có tục thờ cây. Bên gốc những cây cổ già, thường có một cái miếu nhỏ, đặt bát hương, những chiếc bình vôi, để hương khói cho Thần Linh. Do kinh nghiệm của cha ông truyền lại thì cây lớn có Thần lớn. cây nhỏ có Thần nhỏ:

Cà phê mang lại sự thịnh vượng và giàu có!

Theo truyền thuyết, năm 850, một người Arập chăn dê tên là Kaldi một hôm tự nhiên thấy bầy dê núi của mình cứ nhảy quẫng lên mừng vui. Sau anh chịu khó dò tìm mới biết rằng lũ dê đã ăn hạt càphê nên mới hưng phấn như vậy. Thế nhưng trong Luận Kinh Henoch, mật thư (không chỉ được giữ kín mà còn được trình bày với cách hành văn cố ý làm cho khó hiểu) được cho là do Henoch viết vào khoảng thế kỷ thứ III thuộc Nhà thờ Công Giáo ở Ethiopia có đoạn miêu tả về Vườn Địa đàng và Cây hiểu biết ở Ethiopia thời tiền sử với quang cảnh dễ làm liên tưởng đến khu rừng cà phê mùa hoa ra trái. Phải chăng chuyện phạm tội tổ tông của Adam và Eva khi ăn trái táo để rồi phải thành người là một biến thể hoán dụ được thần tích hóa từ chuyện các đấng tiên sơ của con người hiện đại là loài người đứng thằng – Homo Erectus ở Ethiopia ăn trái cà phê như chất xúc tác để dần biến thành con người nhận biết – Homo Sapiens?

Nguồn gốc cây Cà phê và các chủng loại cà phê trên thế giới

Cà phê là loại cây vùng nhiệt đới được sinh trưởng và mọc dại ở Kefa hoặc Kaffa tại vùng Tây Nam của xứ Ethiopia ở Bắc Châu Phi. Tên của hạt cây này mang theo địa danh đó. Có truyền thuyết khác nói rằng Cà phê là do tiếng gốc Arabic là qahwah.

Cà phê là tên một chi thực vật thuộc họ Thiên thảo (Rubiaceae). Chi cà phê bao gồm nhiều loài cây lâu năm khác nhau. Tuy nhiên, không phải loài nào cũng chứa caffein trong hạt, một số loài khác xa với những cây cà phê ta thường thấy. Duy chỉ có hai loài cà phê có ý nghĩa kinh tế. Loài thứ nhất có tên thông thường trong tiếng Việt là cà phê chè (tên khoa học: Coffea arabica), đại diện cho khoảng 61% các sản phẩm cà phê trên thế giới. Loài thứ hai là cà phê vối (tên khoa học: Coffea canephora hay Coffea robusta), chiếm gần 39% các sản phẩm cà phê. Ngoài ra còn có Coffea liberica và Coffea excelsa (ở Việt Nam gọi là cà phê mít) với sản lượng không đáng kể.

Cây cà phê chè có thể cao tới 6 m, cà phê vối tới 10 m. Tuy nhiên ở các trang trại cà phê người ta thường phải cắt tỉa để giữ được độ cao từ 2–4 m, thuận lợi cho việc thu hoạch. Cây cà phê có cành thon dài, lá cuống ngắn, xanh đậm, hình oval. Mặt trên lá có màu xanh thẫm, mặt dưới xanh nhạt hơn. Chiều dài của lá khoảng 8-15 cm, rộng 4–6 cm. Rễ cây cà phê là loại rễ cọc, cắm sâu vào lòng đất từ 1 đến 2,5 m với rất nhiều rễ phụ tỏa ra xung quanh làm nhiệm vụ hút chất dinh dưỡng nuôi cây.

Hoa cà phê có màu trắng, có năm cánh, thường nở thành chùm đôi hoặc chùm ba. Màu hoa và hương hoa dễ làm ta liên tưởng tới hoa nhài. Hoa chỉ nở trong vòng 3 đến 4 ngày và thời gian thụ phấn chỉ vài ba tiếng. Mùi hương ngọt ngào của hoa cà phê quyến rũ bầy ong khắp nơi bay về vờn phấn, hút mật để tạo ra những giọt mật thơm ngon, đặc sánh. Và trong khung cảnh thơ mộng ấy, từng đàn bướm đủ màu sắc cũng theo hương hoa cà phê đua nhau kéo đến bay lượn khắp trời Ban Mê, tạo nên một bức tranh ngây ngất lòng người. Loài hoa ấy, hương sắc ấy là một nét đẹp đặc trưng của vùng đất đỏ bazan, đem lại cái hồn cho mùa hoa cà phê.

Hoa thường nở 2-3 đợt, cho đến tận cuối tháng 3. Hoa nở một lượt, khoảng một tuần rồi tàn. Nhiều người thường lầm tưởng quả cà phê phải có mùi thơm đặc trưng. Tuy nhiên, thực tế cà phê chỉ có mùi sau khi rang chín. Do vậy, trong quá trình sơ chế, mỗi gia đình lại có những bí quyết riêng tạo độ thơm cùng hương vị đậm đà. Sau mùa hoa, những quả café nhỏ tí nhú lên mơn mởn, xanh ngắt. Và như thế, với những người Tây Nguyên mùa hoa cà phê cũng thường là mùa xuân, của đoàn tụ, gia đình và bạn bè, của mong đợi về một vụ bội thu, của những dự tính cho mùa tháng 3 lễ hội cà phê được tổ chức 2 năm 1 lần. Lễ hội là một hoạt động lễ nghi mang tính chất văn hóa truyền thống trong đời sống sinh hoạt cộng đồng của người Việt Nam. Không những vậy, lễ hội còn là nơi bảo tồn, trao truyền văn hóa giữa các thế hệ, góp phần tạo ra sự đa dạng văn hóa – là kho tàng quý giá của đất nước. Thông qua lễ hội, nhu cầu văn hóa và tâm linh của cộng đồng được thỏa mãn, các truyền thống và phong tục tập quán được duy trì.

Một cây cà phê trưởng thành có từ 30.000 đến 40.000 bông hoa. Ngay từ khi cây cà phê ra hoa kết quả người ta đã có những đánh giá đầu tiên về vụ mùa cà phê. Ở các nước sản xuất cà phê lớn điều này đặc biệt quan trọng trong việc đưa ra những nhận định về giá cả và thị trường. Tuy vậy những đợt rét đậm hoặc hạn hán có thể làm đảo lộn mọi sự tính toán và đẩy thị trường vào tình thế hoàn toàn khác.

Khi thiên thời, địa lợi, lại nhờ có ong bướm, côn trùng góp phần đưa hương thụ phấn đã giúp cho quá trình thụ phấn cây cà phê. Sau khi thụ phấn quả sẽ phát triển trong 7 đến 9 tháng và có hình bầu dục, bề ngoài giống như quả anh đào. Trong thời gian chín, màu sắc của quả thay đổi từ xanh sang vàng rồi cuối cùng là đỏ. Quả có màu đen khi đã chín nẫu. Do thời gian đơm hoa kết trái lâu như vậy mà một vụ cà phê kéo dài gần một năm trời và có thể xảy ra trường hợp trên một cây vừa có hoa, vừa có quả.

Thông thường một quả cà phê chứa hai hạt. Chúng được bao bọc bởi lớp thịt quả bên ngoài. Hai hạt cà phê nằm ép sát vào nhau. Mặt tiếp xúc giữa chúng là mặt phẳng, mặt hướng ra bên ngoài có hình vòng cung. Mỗi hạt còn được bảo vệ bởi hai lớp màng mỏng: một lớp màu trắng, bám chặt lấy vỏ hạt; một lớp màu vàng rời rạc hơn bọc ở bên ngoài. Hạt có thể có hình tròn hoặc dài, lúc còn tươi có màu xám vàng, xám xanh hoặc xanh. Thỉnh thoảng cũng gặp nhưng quả chỉ có một hạt (do chỉ có một nhân hoặc do hai hạt bị dính lại thành một).

Hạt cà phê, với hình trạng vết nẻ giữa hai vành, được vinh hiển trong thần thoại Oromo như chiếc tai của thần linh. Đó là “chiếc tai thứ ba” được sử dụng lần đầu tiên bởi nhà phân tâm học Theodor Reik để nói về khả năng lắng nghe và thấu cảm những điều nằm sau ngôn ngữ và bên trên âm điệu. Hình tượng này cũng đã từng được nhắc đến trong Ai Cập cổ đại, thời Tân Vương Triều (từ 1570 đến 1070 trước Công nguyên) trong tín ngưỡng Thần Tối Cao Amon-Rê là vị thần có ba đôi tai để nghe được cùng lúc những tiếng vọng của Cõi Trời, Cõi Đất và Cõi Âm đến đồng thời từ quá khứ hiện tại và tương lai.

Trong tín ngưỡng dân gian Ethiopia cổ đại, hạt cà phê với vết nẻ giữa hai vành còn biểu trưng cho âm hộ phụ nữ – là một trong những biểu tượng đầu tiên được con người tôn thờ cách đây những 32.000 năm. Thuật ngữ này được giới khoa học nhân văn sử dụng là sinh thực khí nữ – Yoni – để nói về cánh cửa mở ra thế giới vừa mới vừa siêu vượt. Nhờ khả năng sinh đẻ của người phụ nữ, từ âm hộ có thể ra đời những nhân kiệt kỳ tài làm đời sống tốt đẹp hơn và là nơi cảnh giới siêu Nhiên thông linh với cảnh quan trần tục. Hạt cà phê với hình dạng đó đã trở thành biểu trưng cho sinh thực khí nữ – cửa vào cõi thiêng.

Niên vụ được tính từ tháng 10 đến hết tháng 9 năm sau (theo dương lịch). Thời gian thu hoạch tại các tỉnh Tây Nguyên (là nơi sản xuất khoảng 80% tổng sản lượng của Việt Nam) thường kéo dài trong 4 tháng, tính từ cuối tháng 10 đến hết tháng 1.

Quê hương đầu tiên của cà phê là Ethiopia, Brazil là quốc gia xuất khẩu cà phê nổi tiếng thế giới, tuy nhiên Buôn Ma Thuột – vùng đất Tây Nguyên huyền thoại của Việt Nam mới chính là vựa cà phê Robusta ngon nhất thế giới đưa Việt Nam trở thành một trong những nước có lượng cà phê xuất khẩu cao nhất thế giới, đồng thời sở hữu những điều khác biệt mang giá trị tinh thần, tâm linh bản địa độc đáo tạo nên những hạt cà phê tuyệt ngon.

Ngày nay khi nói đến đi uống cà phê là người ta liên tưởng đến những ly cà phê thơm nồng, nóng hổi hay mát lạnh, nhưng trong quá khứ người ta không biết uống từ hạt cà phê mà uống bằng lá cà phê và tập tục này vẫn còn lưu giữ ở Ethiopia cho đến ngày nay. Các nhà thực vật học thuộc Viện hoàng gia Kew, London và các nhà nghiên cứu ở Montpelier, Pháp đã xác nhận trà được làm từ lá cà phê là thức uống có lợi nhất cho sức khỏe. Lá của cây cà phê ít đắng hơn so với trà, cường độ kích thích cũng không mạnh bằng cà phê. Trong lá cây cà phê chứa ít cafein so với trà truyền thống, đồng thời nó còn chứa chất chống oxy hóa và chống kích động. Có khoảng 7 loại cây cà phê có nồng độ chất mangiferin cao (chất hóa học có trong xoài) có tác dụng chống kích động, giảm cholesterol, bảo vệ nơron não và giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Bên cạnh đó, chất chống oxy hóa trong lá cà phê lại có tác dụng chống các bệnh tim mạch và ung thư.

Cây cà phê là loại cây sử dụng được hết mọi yếu tố của nó. Khi già cỗi tuổi thay cây theo vòng đời 15 – 20 năm, người ta thường dùng gỗ thân cây cà phê để chế tác thành các vật dụng như: liễu việt thư pháp, giá in hình phong cảnh, hộp đựng mứt tết, khung hình nghệ thuật, đèn ngủ nội thất, đồng hồ để bàn, bàn trang điểm…Đến cả bã cà phê, cũng còn là một loại phân bón tuyệt vời cho đất vì nó chứa nhiều đạm, magie và kali. Bã cà phê đặc biệt thích hợp với cây trồng ưa môi trường đất axit như hoa hồng, khoai lang, khoai tây, cà rốt, bắp cải, hành tây, nha đam, cây thường xanh và cây hoa đỗ quyên…

Làm đẹp – Ngoài tác dụng tẩy tế bào chết, các thành phần dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất, bã cà phê còn nuôi dưỡng da khỏe mạnh, kích thích sản sinh tế bào mới và cải thiện sắc tố hữu hiệu, từ đó làn da sạm đen thiếu sức sống nhanh chóng trở nên trắng hồng rạng rỡ, khử mùi…

Đối với nhiều dân tộc sống nhờ vào cây cà phê, thì cây cà phê đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tâm linh. Theo truyền thuyết của Oromon, dân tộc đầu tiên biết chiết xuất các thành phẩm từ cây cà phê cách đây ba ngàn năm, quê quán phía đông của Ethiopia, đã ghi lại rằng cây cà phê đầu tiên trên trái đất nảy mầm là từ những giọt nước mắt của thần linh, tích tự tự muôn trùng, rơi xuống từ thinh không, tiếc cho phận người tài hoa mà sao như hạt bụi phù du. Do vậy, rễ cây cà phê bám vào đất mà gốc lại từ trời. Hai chiều kích trời-đất/cao-sâu đã nằm ngay tận bản lai của cây cà phê tự thời cổ tích. Cao và sâu không chỉ là sự đối lưu giữa trời và đất mà theo thần thoại Oromo còn là ngụ ngôn về hướng vọng của phận làm người. Cho đến nay, trong cộng đồng người Oromo vẫn còn lưu truyền tập tục trồng một cây cà phê bên cạnh mộ người vừa mới khuất để tỏ lòng tưởng vọng công đức.

skype