Ngày 21 tháng 12 năm 2018, tại Bảo tàng Thế giới Cà phê, Tập đoàn Trung Nguyên Legend phối hợp với Đại sứ quán nước Cộng hòa Indonesia tổ chức khai mạc chương trình Giao lưu văn hóa Việt Nam – Indonesia với chủ đề: Batik & Thổ cẩm Ê-đê. Chương trình sẽ diễn ra trong 03 ngày, từ ngày 21 đến ngày 23 tháng 12 năm 2018. Đây là một trong những hoạt động định kỳ, thường xuyên của Bảo tàng Thế giới Cà phê nhằm thể hiện vai trò là một trung tâm giáo dục, đào tạo kiến thức nền tảng, nâng cao hiểu biết và tạo cảm hứng sáng tạo, đồng thời bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa dân tộc.

Tham dự chương trình, có nhiều nghệ nhân dệt thổ cẩm Ê-đê, các nhà nghiên cứu văn hoá, nghệ thuật và đông đảo các cơ quan truyền thông tại tỉnh Đắk Lắk. Khi nói về thổ cẩm Ê-đê và vải Batik của Indonesia, cô Nurul Kartika Sari – nghệ nhân Batik đến từ Indonesia chia sẻ: Vải Batik của chúng tôi có 3 loại: vẽ thủ công hoàn toàn, in và dập khuôn. Khi tới Việt Nam tham gia chương trình giao lưu văn hoá Batik của Indonesia và Thổ cẩm của người Ê-đê, tôi nhận thấy cả hai loại vải đều làm thủ công và mất nhiều thời gian hoàn thiện. Vải Batik của chúng tôi các hoa văn được vẽ, in trực tiếp lên vải, còn các hoạ tiết trên vải thổ cẩm thì dùng màu sắc của chỉ để dệt lại với nhau rất độc đáo và mang nét đặc trưng riêng của các bạn.

Là một trong những khách tham gia trải nghiệm chương trình, hoạ sĩ Lê Vấn chia sẻ: “Tôi đã biết đến cách làm vải Batik của Indonesia từ lâu và biết rằng hoa văn, hoạ tiết trên vải là nét đặc biệt, biểu trưng cho đời sống tinh thần của người Indonesia. Hôm nay tham dự chương trình này, tôi còn được biết cách để tạo ra những màu sắc hoa văn ấy. Điều này rất hữu ích cho những người làm nghệ thuật như chúng tôi của chúng tôi rất nhiều. Xin cảm ơn Bảo tàng thế giới Cà phê và Tập đoàn Trung Nguyên Legend đã tổ chức chương trình rất ý nghĩa này”.Cũng là một trong những khách mời nghệ nhân của chương trình, bà H’Yam Bkrông – nghệ nhân dệt thổ cẩm Ê-đê chia sẻ: Tôi thấy rất vinh hạnh và tự hào khi được tham gia chương trình giao lưu văn hoá, giới thiệu thổ cẩm Ê-đê với mọi người, đặc biệt là nước bạn Indonesia.

Batik và thổ cẩm của Tây Nguyên có rất nhiều điểm tương đồng, nhưng nước bạn đã quảng bá thành công và đưa Batik trở thành một sản phẩm thương hiệu quốc gia, được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới. Vải thổ cẩm của chúng tôi cũng rất đặc biệt trong cách làm ra nó và có gắn liền với đời sống, văn hoá của đồng bào Ê-đê nhưng lại chưa thật sự được nhiều người biết đến trên thế giới. Chính vì vậy tôi cũng mong muốn các ban ngành nhà nước sẽ đồng hành nhiều hơn cùng các doanh nghiệp để có thể đưa vải thổ cẩm của chúng ta lên một tầm cao mới với bạn bè Quốc tế. Cảm ơn Trung Nguyên đã tổ chức chương trình giao lưu văn hoá này để chúng tôi có dịp học hỏi, mở mang kiến thức.